Miêu tả trong nghệ thuật Thiên_thần_sa_ngã

Thiên thần sa ngã nói riêng hay cuộc chiến trên Thiên đàng nói chung là những chủ đề được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện cả trong hội họa lẫn điêu khắc tạc tượng.[128] Vào khoảng năm 1500, Albrecht Dürer đã chế tác một loạt tranh khắc gỗ về Ngày Tận thế, thể hiện các cảnh khác nhau từ Sách Khải Huyền,[129] bao gồm một bức thể hiện Thánh Micae cùng các thiên thần khác sử dụng kiếm, thương và cung tiễn tấn công quỷ Satan trong hình dạng một con rồng có sừng và cánh.[130]

Năm 1562, một bức họa – hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ – với tên gọi Sự sa ngã của các thiên thần nổi loạn đã được Pieter Brueghel hoàn thiện. Bức tranh thể hiện các thiên thần của chúa vận áo choàng màu sáng và bộ áo giáp lung linh trước ánh mặt trời. Trong lúc có một người thổi kèn, những người còn lại sử dụng kiếm và thương tấn công những tạo vật quỷ dữ được thể hiện với khuôn mặt méo mó quái dị.[131] Hieronymus Bosch thể hiện một phong cách khác biệt khi miêu tả thiên thần sa ngã – thay vì dưới dạng hình người – trong hình dạng những con kỳ nhông, động vật lưỡng cư, cá hoặc côn trùng. Trong cơn tuyệt vọng, những sinh vật này tự cắn cơ thể của chính mình khiến các chi của chúng đứt rời, có con thậm chí còn cắn rách toạc cả bụng chứa đầy trứng của nó.[132]

Một tác phẩm khác thể hiện chủ đề này được Tintoretto thực hiện vào năm 1592.[128] Qua quan sát có thể thấy bức họa được chia đôi bằng một đường chéo. Góc dưới bên trái là Satan trong hình dáng một con rồng 7 đầu khạc ra lửa đang ẩn nấp trong bóng tối. Đang đắm mình trong ánh sáng rực chói ở phần phía trên của bức tranh là hình ảnh sống động của Thánh Micae và một thiên thần khác, cũng như Chúa ChaĐức Mẹ Maria tọa trên một vầng trăng lưỡi liềm. Thứ kết nối hai phần của bức tranh là cây thương đang đâm về phía dưới của Ngài Tổng lãnh thiên thần.[133]

Trong hình dáng một hiệp sĩ mang trên mình bộ áo giáp lấp lánh và áo choàng đỏ bay phấp phới trong gió, Tổng lãnh thiên thần Micae là nhân vật trung tâm trong bức họa cùng chủ đề của Peter Paul Rubens.[134] Với sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời lẫn các thiên thần khác trung thành với Ngài, Micae không chỉ đã đẩy lùi một con quái vật trong hình dạng một con mãng xà xuống vực thẳm, mà còn với đó là cả những con người bị Ác quỷ cám dỗ, thể hiện bằng những cơ thể vạm vỡ nhưng vặn vẹo và với một khuôn mặt biến dạng hoàn toàn.[134]

Các tác phẩm nổi tiếng khác thể hiện sự sa ngã của Ác quỷ bao gồm Raffaello (1518, Bảo tàng Prado), Johann Michael Rottmayr (1697, Tu viện Tittmoning, Bayern), Lang Thế Ninh (thế kỷ 18), William Blake (1826, Minh họa thạch bản cho cuốn Hiob), Eugène Delacroix (1861, St-Sulpice de Paris), Gustave Doré (minh họa cho Thiên đường đã mất) và Marc Chagall (1923–1947, Bảo tàng Mỹ thuật Basel).

  • Thiên thần sa ngã trong hội họa
  • Albrecht Dürer, khoảng 1500
  • Raffaello, 1518
  • Tintoretto, 1592
  • P.P.Rubens, khoảng 1619
  • P. P. Rubens, khoảng 1620
  • Luca Giordano, khoảng 1655
  • J.M.Rottmayr, 1697
  • G. Castiglione, thế kỷ 18
  • William Blake, 1826
  • Eugène Delacroix, 1861
  • Gustave Doré, 1865
  • Sự sa ngã của thiên thần, Roussillon, Pháp